Nay lại khui đồ chơi mới để làm một cái góc chơi game, edit video, nghe nhạc tá lả, sẵn đã có microphone Neumann BCM 705 và tai nghe NDH-30 nên đi sắm thêm cặp loa KH 120 II và cái audio interface MT 48 để hoàn thiện một góc trải nghiệm dùng toàn bộ đồ của Neumann, tổng cộng đồ trong hình là 137.000.000đ.
Neumann mang quốc tịch Đức, là hãng làm microphone phòng thu, loa kiểm âm, các thiết bị có liên quan đến công tác thu âm, hậu kỳ chuyên nghiệp, có tuổi đời rất lâu (1928) và kinh qua bao nhiêu sự thay đổi của nghành âm nhạc tự cổ chí kim. Mình thì không làm nhạc, thấy thiết kế giản tiện, lạnh lùng, ra hình ra khối, hợp với cái màu tường xi măng quá xá nên mua về để nghe nhạc là chính. Ngoài ra, khoe loa của Neumann thì mấy chàng graph thủ ở đây vừa thèm vừa không bật được, đến idol của giới graph thủ còn phải khen thì các bạn có muốn chê cũng không có cửa, hehe.
Trước đây 2 tháng, mình có trên tay KH 80 DSP của Neumann, đây là mẫu nhỏ hơn với công suất đạt 120W. Còn KH 120 II, ngoài cái công suất đạt 200W và kích thước thùng loa, woofer to hơn thì không khác gì về thiết kế cho đến kết nối so với KH 80 DSP. Anh em có thể xem qua KH 80 DSP ở đây.
Một số đặc điểm kỹ thuật tiêu biểu của KH 120 II:
- Driver của mỗi loa được đo kiểm kỹ lưỡng, loa nào cũng như loa nào, có MMD waveguide (là cái lòng chảo chứa loa tweeter), giúp mở rộng điểm ngọt khi nghe, giảm đi sự phản xạ của mặt bàn với sóng âm.
- Tần số đáp tuyến tuyến tính từ 44Hz đến 21kHz (±3 dB)
- Phase Response (cái này không biết dịch ra tiếng Việt là gì) tuyến tính từ 120Hz đến 160kHz (±45°) với độ trễ latency <2.6ms, điều này có nghĩa là nó sẽ có một dải trung âm rất rõ ràng, không màu sắc và cực kỳ chính xác về mặt thời gian.
- Loa có tích hợp DSP, để có thể sử dụng chung với microphone MA1 trong việc cân chỉnh phòng nghe. Cái này rất là ngon nha quí vị.
- Có thể dùng 2 loa tạo ra hệ thống nghe nhạc stereo, hoặc nhiều loa, subwoofer, cấu hình nên hệ thống âm thanh vòm
Cũng giống như KH 80 DSP, KH 120 II được thiết kế để sử dụng ở tầm gần (near field), khoảng cách nghe khuyến nghị là từ 1m – 2m. Nhờ thiết kế dễ cầm, nắm, nâng hạ nên KH 120 II cũng phù hợp để làm loa kiểm âm hiện trường do dàn nhạc, làm phim, truyền hình.
Loa active monitor như Neumann hay Genelec, anh em sẽ không thấy có cái núm volume control như các loa active dân dụng khác như của Edifier hay Audioengine. KH 120 II có một cái núm vặn ghi là “input gain” ở phía sau loa, mục đích là để giảm nhỏ, hãm lại tín hiệu đầu vào cho loa, mình (và trong manual của hãng) không khuyến nghị anh em làm như vậy.
KH 120 II chỉ có duy nhất một XLR Analog Input, nên mình phải tìm một con DAC/Pre có xlr output, Topping DX7 Plus thì gắn với KH 80 II, KH 120 II xịn hơn nên phải dùng đồ xịn hơn: Neumann MT 48.
Em này có thiết kế rất đẹp, vừa cổ điển lại vừa hiện đại. Màu vàng cát cùng với logo Neumann đỏ chót là bao uy tín.
2 bên hông có 2 lỗ nhỏ để quạt hút có thể tản nhiệt.
Neumann MT 48 là audio interface được đánh giá rất cao bởi giới làm nhạc, làm studio, anh em cứ làm một vòng search trên Google là sẽ thấy dân tình thích nó thế nào. Nguyên gốc của Neumann MT 48 là Merging Technologies Anubis (Thụy Sĩ), tuy nhiên do hoàn cảnh giàu có nên Sennheiser (Professional) đã nhanh tay thâu tóm Merging Technologies, phối hợp với Neumann để làm giàu thêm hệ sinh thái sản phẩm âm thanh chuyên nghiệp của mình.
Em này có rất nhiều input và output để producer có thể tận dụng. Tuy nhiên, để phục vụ cho nhu cầu giải trí và chụp hình khoe đồ thì mình chỉ dùng 2 XLR output nối vào loa KH 120 II, 1 XLR input cho microphone BCM 705 và ngõ headphones output.
Có một ứng dụng hay ho, vui vẻ mà mình từng làm với MT 48, đó là dùng nó như một bộ pre + parametric EQ, để thu âm từ Tidal qua băng cối Reel To Reel.
Việc thu âm số vào băng R2R thì thiên hạ làm lâu rồi, tuy nhiên để chỉnh riêng mỗi profile thu cho classical, jazz, nhạc Việt cho đúng gu thì khá là khó đối với các bộ EQ analog, với MT 48 thì mình muốn thu cái gì chỉ cần đổi qua profile nhạc đó là đảm bảo bản thu ra nghe hợp ý.
Phía trước có 2 ngõ headphones output, mình dùng để cắm tai nghe Neumann NDH-30, nghe Dream Theater đánh Under The Glass Moon rất sướng tai, tiếng rõ ràng, mạch lạc, trong vắt từ bass tới treble.
Để mà master được em MT 48 này thì cần rất nhiều thời gian do ẻm là đồ để thu âm, làm nhạc, có nhiều chức năng mà mình chưa tận dụng hết được. Còn về mặt âm thanh, không biết phải diễn tả thế nào cho nó đúng, ý tại ngôn ngoại, hy vọng anh em xem clip hay đọc bài hiểu được phần nào.
Combo này cho âm thanh nhanh như cắt, tốc độ rất nhanh, hối hả, song, lại rất giàu nhạc tính, không thấy chói gắt gì cả, nghe metal chỉ thấy sướng tai hoa mắt. Với những cặp loa như Totem Forest Signature hay Raidho C1.1, mình nghe Pantera, Katatonia, Dream Theater có mở to cách mấy cũng không mang lại cảm giác hồi xưa đi nghe nhạc ở Café Tùng hay Trúc Mai, đó là cảm giác đút đầu kế bên loa, mở thật to, nhạc xâm chiếm hết cơ thể và tâm trí, không say mà người cứ lâng lâng. KH 120 II mang lại ký ức, trải nghiệm đó thật là sống động. Tiếng nhanh, nhạy, rất khỏe mà lại được phân tách các tầng lớp âm thanh rõ ràng, trật tự, điều này những loa active hifi trong cùng tầm giá khó độ chế, buff dây buff nguồn cách mấy cũng không thể đua lại. Ây dà, mà nói luôn là mình chỉ cắm dây Sommer không đó, dây nguồn cũng theo loa chứ không dùng bùa chú gì. Theo kinh nghiệm với Genelec 8341A, thì có tý bùa vào nghe còn hay hơn nữa.
Để nhận biết KH 120 II là loa hay thật sự không quá khó, ngay cả với người không chuyên. Thứ hớp hồn bạn đầu tiên là trường âm rộng rãi, những tiếng đánh phách rất khẽ trong Giữa Đại Lộ Đông Tây ngân vang trong sáng, giọng vocal của Uyên Linh bay bổng, tiếng trung âm này không ngọt, không có màu sắc, với cái sự nghe ngắn hạn của mình, mình không dám bảo là khô vì mình từng nghe những loa khác có màu sắc trung âm khô khốc và lạnh tanh, tuy nhiên KH 120 II thì không như vậy, độ dày của vocal vừa đủ, mạch lạc, nhạc vào tai sướng như đánh bi vào lỗ vậy.