SP3 được thiết kế ra để sử dụng với FiiO R7, nên bản thân nó sẽ không có Bluetooth, USB DAC hay bất kỳ một ngõ digital input nào, đây cũng là điều dễ hiểu, nếu SP3 có đủ hết các cổng này ở giá 8.000.000 thì mới là điều khó hiểu. Nhưng không có, thì có nghĩa là không có, không phải là thiếu. Muốn có thêm chức năng thì mình mua thêm đồ, không có chức năng nào thì mình mua thêm thiết bị phù hợp là xong, chứ không tốn nhiều lúa gạo như một cái máy R7. Có 3 nhóm thiết bị chính:
USB Dongle DAC
Chúng có thể có một cọng dây chìa ra, hoặc dạng adapter cắm thẳng vào điện thoại.
Có rất nhiều USB Dongle DAC ở đủ tầm giá. Như FiiO KA1 (USB-C), KA3, KA5, iFi Go Bar, Ddhifi TC44C Blue, TC35C và còn nhiều hãng khác miễn là chúng có kết nối USB-C. Các USB Dongle DAC này không chỉ tương thích tốt với máy tính, laptop mà còn chơi được với điện thoại, cải thiện chất lượng âm thanh cho laptop.
USB Dongle DAC có một điểm hạn chế là hiệu điện thế ngõ ra thường nhỏ, bạn cần phải vặn to volume trên loa để có âm thanh tốt hơn, hình bên trên là mạch của iFi Go Bar, một trong những dongle DAC tốt nhất dưới 10tr, có điện thế ngõ ra trên 2V, đánh luôn cả dàn hifi chứ không chỉ là loa active. Bên cạnh đó, nên ưu tiên chọn Dongle DAC có dây tháo rời để dễ dàng thay thế.
USB DAC truyền thống
Trong đám này thì mình rất là thích chất âm sống động và bạo lực, mạnh mẽ, coi phim, nghe EDM và chơi game rất đã của combo iFi Uno + FiiO SP3.
USB DAC truyền thống có kích thước thoải mái hơn, nhiều không gian để nhà sản xuất bố trí linh kiện tốt, có thể chạy dòng cao, sinh nhiệt nhiều nhưng đổi lại là âm thanh hay. Ví dụ như Zen DAC Signature V2 của iFi.
Vì cấu tạo của một mạch DAC không chỉ có con chip giải mã, nó cần có thêm mạch nhận tín hiệu số từ nguồn phát (USB input, SPIDIF input), mạch lọc nguồn, mạch giải mã, mạch analog output; mỗi cụm xử lý tín hiệu này luôn ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, vì thế các USB DAC có kích thước lớn, bộ cấp nguồn tốt, có mạch analog output và các mạch khác được làm tử tế thì nghe hay hơn Dongle DAC là điều hiển nhiên.
Một số USB DAC sẽ có tích hợp thêm ngõ headphone output, đây cũng là một điểm mà anh em cần để ý, quan tâm. Mua DAC để khai thác FiiO SP3 được tốt hơn, nhưng mình thấy không phải lúc nào cũng được nghe loa, ví dụ như khi chơi game, cần giao tiếp với đồng đội, hoặc đôi khi coi các phim-chỉ-một-mình-mình-xem thì không thể cứ mở loa cho nhà mình và nhà hàng xóm nghe được. Một trong những DAC dạng này mà mình hay giới thiệu cho anh em là Zen Air DAC, Zen DAC v2, Topping DX3 Pro+, FiiO K5, K7.
Bluetooth DAC
Bluetooth DAC hay còn gọi là Bluetooth Receiver. SP3 cũng không có Bluetooth luôn nên thành thử ra, nếu bạn chỉ cần kết nối không dây, phát nhạc từ điện thoại, máy tính bảng cho tiện lợi thì chỉ cần mua thêm Bluetooth DAC.
Ngày xưa người ta gọi là Bluetooth Receiver, nghĩa là nhận tín hiệu Bluetooth. Ngày nay do các audiophile quan trọng con chip DAC nên hãng ghi thành Bluetooth DAC.
Gọi như vậy cũng không hẳn là vô lý, các thiết bị Bluetooth Receiver tầm trung, giá thấp thường tận dụng mạch giải mã bên trong SoC Bluetooth, bạn có thể hiểu nôm na rằng một SoC chip Bluetooth Qualcomm xxxx phải làm đủ thứ nhiệm vụ: giải nén, giải mã, khuếch đại. Còn đã gọi là Bluetooth DAC, SoC chỉ nhận tín hiệu Bluetooth sau đó truyền qua một hệ thống DAC riêng để giải mã và khuếch đại, như vậy tính hiệu âm thanh sẽ có nhiều chi tiết, nghe hay hơn.
Một số thiết bị Bluetooth DAC đáng tham khảo là iFi Zen Air Blue, Zen Blue V2, FiiO BTR7, BTR5 và đặc biệt là BTA 30 Pro, con này phối ghép chung với SP3 cho âm thanh rất nịnh nọt, ngọt ngào. Nếu thích âm thanh mạnh mẽ và đanh thép, tốc độ cao, âm trường rộng rãi, anh em có thể tham khảo qua model iFi ZEN One Signature.