Cách đây ít lâu mình có thấy Classic Records tái bản một series đĩa nhạc cổ điển của Everest, giá thì cũng không phải đắt nhưng điều làm mình tò mò là nguồn gốc của bản thu. Thông thường, các đĩa vinyl trong khoảng thời gian từ năm 1950-1980 sẽ được thu âm vào băng master tape có bề dày khoảng ¼”, ½”. Tuy nhiên đĩa loạt đĩa này lại được lấy source từ băng từ 35mm.
Theo tìm hiểu, film cỡ 35mm phủ một lớp từ tính bắt đầu được sử dụng sớm nhất từ khoảng năm 1947 trong các hệ thống thu băng kép, thường dùng để thu âm thanh khi quay phim (máy thu kép có băng hình và băng tiếng thu riêng). Loại film này còn được gọi là phim “fullcoat” do lớp từ được phủ toàn bộ chiều rộng của dải film. Từ năm 1959, hãng thu Everest chính thức sử dụng film từ tính 35mm để thu các tác phẩm âm nhạc của mình, đến năm 1970 thì Everest bán mình và không còn sử dụng loại băng này nữa.
Càng thú vị hơn khi biết rằng máy ghi âm bằng film 35mm được sản xuất bởi Westrex, nhìn cái cấu tạo của cụm đầu từ thật là kỳ lạ và tinh vi.
Không nhiều hãng sử dụng máy của Westrex và công nghệ thu âm này vào thời gian đó do chi phí sản xuất cao.
Vì kích thước film 35mm rộng hơn nhiều so với tiêu chuẩn băng ghi âm ½-” hoặc ¼-” nên nó cho mức SNR (signal-to-noise) tốt hơn, ngoài ra cũng dày hơn nhiều nên hạn chế được lỗi “ghi đè” 2 lớp băng hoặc băng bị giãn. Thêm vào đó, băng 35mm do được cuốn bằng trục bánh xích nên cũng ít bị ảnh hưởng bởi sai số dao động wow/flutter hơn. Film 35mm chứa được 3 track với kích thước băng tương đương ¼”.
Everest ngừng hoạt động vào năm 1960 tuy nhiên sau đó nhiều nhãn thu khác như Mercury, Command, Cameo/Parkway và Project 3 tiếp tục dùng film 35mm để thu nhạc nhưng cũng rơi rụng dần về số lượng và sản lượng. Những chiếc đĩa LP được dập từ băng gốc là film 35mm sẽ được ghi chú rõ ràng trên bìa.
Từ khoảng năm 1970, các loại băng thu âm mới hơn được ra đời hỗ trợ giảm nhiễu Dolby và thu multi-track, cũng như có giá thành rẻ hơn nên film từ tính 35mm không còn được sử dụng rộng rãi nữa. Tuy vậy, film 35mm vẫn được tiếp tục được dùng cho nhu cầu quay phim. Nhóm nhạc Mercury Rev từng sử dụng film từ tính 35mm để thu 2 album là See You on the Other Side (1995) và Deserter’s Songs (1998).
Đĩa vinyl mình mua là album Profokiev Symphony No.5 do Malcolm Sargent cùng dàn London Symphony Orchestra trình bày, được sản xuất thành 2 đĩa 200g 45rpm, khi vừa bỏ lên nghe thử, mình thấy âm lượng có phần hơi nhỏ hơn so với cùng một mức âm lượng của các đĩa cổ điển truyền thống, tuy nhiên sau khi vặn volume nhích lên hơn ~ 10% thì mình cực kỳ ấn tượng với sự rộng lớn, hùng vĩ của âm trường và chi tiết, lớp lang của âm thanh được thể hiện rất dã man, một trải nghiệm rất, rất khác. Nghe qua bản rip trên Youtube thì công lực giảm mất 50% rồi nhưng mình ko tìm được link chính thức của album này trên các nền tảng streaming khác nên anh em nghe đỡ ở đây vậy 😁
Bìa album này cũng lạ, nó được thiết kế bởi Alex Steinweiss, ông là họa sỹ danh tiếng đã thiết kế rất nhiều bìa album cho Decca, Columbia và Everest trong khoảng thời gian từ 1950-1970. Bìa của album này xuất hiện trong những trang đầu của cuốn sách Alex Steinweiss – The Inventor of the Modern Album Cover với hình ảnh là 1 người phụ nữ tay mặc áo toga, tay phải đeo mặt nạ còn tay trái cầm đàn lyra.