– Bài viết bên dưới khá dài, vì nó là bài review rất chi tiết của mình về chiếc tai nghe tĩnh điện Stax SR-009S, mình có tóm tắt lại các điểm chính ở đầu bài viết, để save chút thời gian cho mọi người. Mọi người lười đọc thì đọc cái version ngắn gọn đã tương đối đủ thông tin rồi.
– Bài có khá nhiều từ chuyên môn hơi hàn lâm về miêu tả âm thanh, một vài từ mình xin phép dùng nguyên bản tiếng Anh vì thật sự khi dịch ra khá khó để sát nghĩa được.
Version ngắn gọn:
Với ba điểm độ trong trẻo (transparency), sự liền lạc của âm thanh (coherency) và nhạc tính (musicality), Stax SR-009S là chiếc tai nghe thể hiện tốt nhất trong tất cả các tai nghe mình từng được nghe và sở hữu. Thông thường, những tai nghe có đặc tính kỹ thuật tốt thì hơi thiếu nhạc tính (điển hình là Sennheiser HD800/S) và ngược lại, các tai nghe chú trọng về nhạc tính thì sẽ hi sinh về đặc tính kỹ thuật (có thể kể đến Focal Utopia, HD650 v.v), nhưng mình cũng không hiểu kĩ sư Stax đã làm gì để có thể tạo ra được một tai nghe có các đặc tính kỹ thuật thuộc hạng tốt nhất trong giới tai nghe trên thế giới và ĐỒNG THỜI vẫn sở hữu sự mềm mại, uyển chuyển và nhạc tính khủng khiếp như Stax SR-009S. Trừ một vài điểm nhỏ về độ rộng âm trường (soundstage width) và độ động tuyệt đối (extreme dynamic range), thì chiếc tai nghe Stax SR-009S đã tiệm cận với mức độ “hoàn hảo”, là cảnh giới tái tạo âm nhạc cao nhất mà một hệ thống tai nghe có thể có được.
QUẢNG CÁO
Version full HD không che:
Okay, nếu mọi người chưa “đã” lắm với bản tóm tắt kia, thì mình bắt đầu thôi.
1. Kể lể một chút về Stax (nguồn: Wikipedia + Head-fi)
Trong những ngày đầu trong thế giới audiophile, khi đọc các bài review của người khác, mình thường skip phần râu ria và đọc luôn phần âm thanh. Tuy nhiên, gần đây, mình thấy mình ngày càng đọc nhiều hơn về lịch sử background của thiết bị. Điều này nó làm cho mình cảm thấy dễ “connect” và đồng cảm hơn với những gì mình đọc và nghe trực tiếp, nên kì này mình xin phép kể lể trước một chút.
Có lẽ mọi người cũng biết, cơ bản thị trường tai nghe fullsize cao cấp hiện nay trên thế giới có 3 loại driver chính: dynamic, planar và electrostatic (tĩnh điện). Một điểm có thể mọi người ít biết là 2 dòng tai nghe flagship huyền thoại của Sennheiser (Orpheus và HE-1) cũng đều là các tai nghe tĩnh điện, chứ không phải driver dynamic như các dòng HD800S, HD650 đã quá quen thuộc. Nhưng Stax có lẽ là hãng tai nghe tĩnh điện nổi tiếng nhất trong giới headphone audiophile. Stax được thành lập vào năm 1938 tại Nhật Bản. Stax sản xuất tai nghe tĩnh điện đầu tiên của họ vào năm 1960, đó là SR-1. Trong 36 năm tiếp theo, Stax đã đa dạng hóa sản phẩm và cho ra đời bộ khuếch đại (amplifiers), tonearms, đầu đĩa CD, DAC, hộp phono và các sản phẩm phụ kiện khác nhưng cốt lõi, sản phẩm Stax được nhiều người biết đến nhất vẫn là tai nghe tĩnh điện mà họ gọi với một cái danh từ rất lạ – earspeaker (loa…nhét tai???).
Vào năm 1995, 57 năm sau khi công ty được thành lập, Stax vỡ nợ và không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng may thay, sau đó, một trong số những người hâm mộ âm thanh của Stax đã đến và giải cứu hãng. Ông ấy “tình cờ” đang nắm quyền lãnh đạo của Edifier, một công ty thiết bị âm thanh của Trung Quốc và Edifier đã nhanh chóng mua lại 100% vốn cổ phần của Stax, thổi luồng sinh khí mới cho huyền thoại Nhật Bản vào tháng 12 năm 2011. Phần còn lại, như mọi người hay nói, là lịch sử.
Đến thời điểm viết bài này, tháng 12 năm 2022, dòng sản phẩm Stax bao gồm 8 tai nghe tĩnh điện, 10 bộ khuếch đại tĩnh điện và các phụ kiện cho các sản phẩm này bao gồm dây nối dài và giá đỡ tai nghe. Nổi tiếng nhất trong số các thiết kế của Stax có lẽ là 2 thiết kế “Lambda” cũng như dòng “Omega” của họ.
QUẢNG CÁO
Điều thú vị là Stax SR-009S không phải là tai nghe đầu bảng của Stax hiện tại. Stax SR-009S được ra mắt vào cuối năm 2018 và là dòng thay thế cho chiếc tai nghe có lẽ là phổ biến nhất của Stax – SR-009. SR-009S là chiếc tai nghe flagship của Stax trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2021 cho đến khi SR-X9000 ra mắt vào cuối năm 2021 – đầu năm 2022. Tuy nhiên, X9000 vẫn chưa đến tay nhiều người ở các thị trường ngoài Nhật Bản, và theo mình biết hiện chưa có con X9000 nào ở Việt Nam, vì thời gian sản xuất rất lâu, trong một thế giới hậu COVID, tình trạng thiếu linh kiện xảy ra liên miên, sản xuất chậm trễ và thời gian vận chuyển delay banh xác. Do đó, mình nghĩ đủ để nói rằng đối với hầu hết chúng ta, SR-009S vẫn là tiêu chuẩn đỉnh cao hiện nay để đánh giá tai nghe tĩnh điện. Là chiếc tai nghe phù hợp nhất để đánh giá khi ta muốn biết âm thanh tai nghe tĩnh điện nó thế nào.
2. Ngoại hình thiết kế và độ thoải mái khi đeo
Trong mắt mình, Stax SR-009S khá đẹp. Chúng không có vẻ ngoài đặc biệt như một số flagship như Abyss AB-1266 Phi TC hay kể cả Sennheiser HD800S mình cũng đang sở hữu, mà SR-009S sở hữu kiểu dáng khá truyền thống với thiết kế headband kép. Đúng chuẩn kiểu thiết kế không thể nhầm lẫn của Stax, mà mình thấy khá ổn.
Tai nghe và các phụ kiện được đựng trong hộp gỗ có in logo thương hiệu. Tính thẩm mỹ khá cổ điển, mình nhìn ban đầu mình liên tưởng ngay đến các hộp đựng rượu vang cao cấp, nhìn chung packaging của SR-009S khá tương xứng với giá tiền và danh tiếng của Stax.
Về chất lượng build, tai nghe được làm chủ yếu từ các bộ phận bằng da và nhôm được gia công, đồng thời các stator đã được mạ vàng (so với màu xám nhôm của SR-009) nên chất lượng hoàn thiện khá chắc chắn và mọi thứ được kết hợp tốt với nhau. Có điểm mình không thích lắm là việc headband ngoài và gọng tai nghe được làm bằng nhựa, trông hơi cheap và hơi lạc tông so với 2 củ driver sang trọng hơn nhiều. Tổng quan mình nghĩ build quality của SR-009S vừa đủ điểm qua phà với tiêu chuẩn của một chiếc tai nghe cao cấp, mà mình nghĩ tuổi thọ với hầu hết người dùng cũng sẽ không vấn đề gì.
- Hộp gỗ của SR-009S hơi to, chứa tai nghe để ship đi xa thì quá ổn nhưng để làm hộp đựng tai nghe lấy ra lấy vô hằng ngày thì hơi oversize. Nên mình phải mua cái case tai nghe riêng.
- Dây của tai nghe là hàn chết vào driver, không detachable được.
- Thiết kế open hoàn toàn, mình dùng chữ “hoàn toàn” ở đây là vì nó đúng nghĩa “hở”, hở từ mặt trong ra cả mặt sau, điều này dẫn đến việc rất dễ bị mắc tóc và bụi vào driver tai nghe, cần giữ tai nghe rất kỹ chứ không kiểu quăng quật đủ xó được. Thứ 2 là việc leaked âm chắc là vô địch, nên dù là một tai nghe Made in Japan đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhưng mình chống chỉ định với các bác dùng SR-009S để xem các thể loại phim tình cảm, hành động lặp lại nhiều lần của Nhật Bản.
Đối với sự thoải mái, có lẽ nó là chiếc tai nghe đứng hàng thứ 2 trong số các tai nghe mình có dịp chụp vào đầu, hạng I không gì khác ngoài Sennheiser HD800S, đỉnh cao của headphone comfort. Đệm chụp tai mềm mại và dẻo dai, đồng thời miếng da đệm đeo đầu nằm vừa vặn trên đầu mình, và mình có thể đeo SR-009S trong nhiều giờ. Thời gian lâu nhất mình từng đeo 009S là ~ 4h, và mình vẫn thấy cực kỳ thoải mái. Duy chỉ có một điểm note nhỏ, mọi người nên đeo 009S trong phòng lạnh, vì đệm chụp của 009S là da cừu thật, nên dễ làm chảy mồ hôi tai khi đeo trong phòng nóng.
3. Hệ thống phối ghép
Một lưu ý lớn, mình nghĩ cực kỳ cực kỳ cực kỳ quan trọng, trước khi mình viết kỹ về âm thanh của SR-009S, là việc phối ghép là tối quan trọng đối với Stax. SR-009S nó giống như một kính hiển vi âm thanh vậy, nó thể hiện tuốt tuồn tuột những sai sót, các lỗi, điểm mạnh, các điểm đặc trưng và đặc tính âm thanh của toàn bộ các thiết bị và phụ kiện trong hệ thống mà nó được cắm vào. Ví dụ ngay bản thân, lần đầu tiên mình nghe SR-009S trực tiếp tại nhà, âm thanh của SR-009S dù vẫn đáng yêu, nhưng lại sáng và bass rất mỏng, mình hơi sốc khi nghe quen từ HD650 chuyển qua. Âm thanh lúc đó của 009S khác rất, rất, rất xa thứ âm thanh hiện nay SR-009S trình diễn tại hệ thống hiện tại của mình. Để mọi người dễ hình dung mức độ nhạy hệ thống của Stax, mình chỉ cần bơm thêm điện linear DC sạch cho…router và cục chuyển GPON mạng thôi (2 thiết bị không liên quan lắm đến hệ thống chính) thì sự thay đổi về âm thanh ở Stax đã tương đương với mình đổi dây nguồn cho toàn bộ hệ thống DAC và headamp (các thiết bị trực tiếp ảnh hưởng âm thanh) đối với HD800S.
Phối ghép tốt nhất mà mình từng nghe với SR-009S là tại hệ thống của mình, với một loạt những thiết bị và phụ kiện “đồ sộ”, được xử lý cực kỳ kĩ lưỡng từ A – Z. Chưa bàn đến tiền bạc, nội về thời gian thôi thì thực sự thì mình mất hơn 10 năm lăn lộn ở thế giới âm thanh này mới có đủ kiến thức và cả kinh nghiệm để phối ghép được hệ thống đang đánh Stax SR-009S này. Chi tiết toàn bộ hệ thống mình có vẽ thành sơ đồ và đính kèm dưới bài viết, cơ bản các thiết bị chính có các món sau:
- Hệ thống xử lý điện: full Nordost, gồm lọc điện QX4, hộp tiếp mass QKore 6, 2 cục QV2, ổ cắm QBase 8 MK2. Với ổ âm tường Furutech NCF
- Hệ thống cấp nguồn linear DC: 2 bộ nguồn HDPlex 300W, 1 nguồn SOtM sPS-500.
- Hệ thống xử lý stream nhạc số: router Linksys EA9500, 4 x switch Buffalo GS2016, cách ly quang 2 lớp Finisar 1421
- Nguồn phát nhạc: music server Melco N1A
- Hệ thống giải mã: DDC Singxer SU-6 và DAC Holo Audio Spring 3
- HeadAmp Blue Hawaii Special Edition (BHSE) phiên bản volume RK50, bóng Mullard EL34
- Tai nghe Stax SR-009S
- Phụ kiện và dây dẫn: Nordost Frey 2, Red Dawn LS, Wireworld Platinum 8, Wireworld Starlight 8, Inakustik Reference, chống rung Nordost BC và Vibratone v.v
Để tóm gọn lại, ba điểm chính mình thấy mình quan trọng khi chơi Stax, là điện đóm, DAC và headamp. Điện cần xử lý cực kỳ kĩ, DAC nên chọn DAC có chất tiếng neutral-warm nhẹ, mình recommend R2R DAC tốt kiểu Holo Audio, Denafrips dòng Venus II đổ lên và cuối cùng là headamp. Headamp BHSE chắc là chiếc headamp nổi tiếng nhất trong giới head-fi khi nhắc đến việc kết đôi với SR-009 và người anh lớn hơn của nó, SR-009S, với mức giá cũng thuộc hàng top trong giới headamp hiện tại.
Vì lẽ đó, tất cả những đánh giá của mình bên dưới về SR-009S đều dựa hệ thống của mình. Mình muốn nói thêm rằng mình không xa lạ gì với các sự đỏng đảnh, khó chơi của những chiếc tai nghe hàng đầu. Bản thân mình cũng đang và từng sở hữu nhiều tai nghe nổi tiếng khó chiều như HD800S, HD650, AKG K701 v.v. Với các tai nghe này, mọi thiết bị trong hệ thống đều tác động đến âm thanh, ngay cả với dây dẫn. Nhưng sau khi trải nghiệm sự “lột xác” của SR-009S trên chính hệ thống của mình, thực sự mình vẫn còn rất bất ngờ trước mức độ “scale-up” của Stax SR-009S, một chiếc tai nghe phản ánh mọi thay đổi trong dàn với mức độ khủng khiếp. Và chắc chắn SR-009S là chiếc tai nghe nhạy với hệ thống nhất mà mình được sở hữu và trải nghiệm.
Một điểm cuối mình muốn nói trước khi đi vào review chi tiết âm thanh là tất cả các cảm nhận của mình bên dưới mình đều dựa trên mức độ tham chiếu và đòi hỏi âm thanh ở mức cao nhất, mức khắt khe nhất của mình dành cho một món đồ âm thanh. Điều mình nghĩ là hợp lý vì với mức giá thuộc hàng cao nhất nhì trong giới tai nghe cao cấp lẫn danh tiếng của hãng Stax, liệu SR-009S có đáp ứng được kì vọng cao ngút trời của bản thân mình không?
Xong phần thủ tục, mình đi vào vấn đề chính: rồi cuối cùng Stax SR-009S nó kêu như thế nào?
4. Âm thanh
4.1) Độ trong (transparency)
Không phải tự nhiên mà mình nói đến transparency đầu tiên khi miêu tả âm thanh của Stax SR-009S, như đã trình bày ở trên, với mình thì SR-009S như là cái kính hiển vi âm thanh vậy. Mọi thứ trong bài hát đều được thể hiện cực kỳ rõ ràng, và góp phần chính cho đặc tính này chính là cái transparency tuyệt đỉnh của nó. Trước khi nghe Stax mình có thời gian dài dùng Sennheiser HD800S, được xem là tai nghe driver dynamic có âm thanh trong nhất, nhưng thực sự khi nghe SR-009S mình mới cảm nhận rõ như thế nào mới là một âm thanh trong trẻo đúng nghĩa. Nó như là bạn ngắm một bức tranh qua lồng kính, nay bạn được chiêm ngưỡng bức tranh đó trực tiếp vậy.
Mình chưa được trải nghiệm tai nghe Raal SR1A nên không biết thế nào, nhưng trong số tất cả các tai nghe mình từng được trải nghiệm, SR-009S ngắn gọn là chiếc tai nghe có transparency khủng khiếp nhất. Và chính cái nền trong vắt như pha lê này đã góp phần tôn mọi dải tần và đặc tính âm thanh khác của SR-009S lên và thể hiện rất rõ các đặc tính của nó.
4.2) Âm trầm (bass)
Trong vài giờ đầu tiên nghe 009S, mình đã khá ấn tượng với cách tai nghe này thể hiện âm trầm (bass) chặt chẽ hơn, sâu hơn và có impact hơn những gì mình hình dung khi đọc các bài đánh giá và cũng như trải nghiệm lúc trước với các tai nghe tĩnh điện khác của Stax. Bản thân đang sở hữu một chiếc HD650 thì tất nhiên âm bass của 009S không nhiều về lượng và um um như HD650, nhưng âm trầm của 009S là một sự cải tiến vượt bậc so với âm trầm của HD800S. Trên thực tế, mình thậm chí còn cực kỳ thích nghe nhạc BlackPink với 009S, điều mà mình không hề mong đợi.
Bass của SR-009S là một dải bass rất lạ, mà mình tin chắc bạn sẽ không thể kiếm được quả bass như vậy ở bất kỳ tai nghe nào khác. Điểm mình ấn tượng nhất ở bass SR-009S là độ sâu (depth) và kết cấu (texture). Bass 009S nó có độ sâu khủng khiếp, hơi ví von vui nhưng thực sự bass 009S khi đánh xuống sâu nó có cái độ rumble tầm 40Hz đổ xuống rất đã, nó làm cả cái…hộp sọ của mình rung rung theo, điều mà mình chưa cảm nhận được ở bất cứ tai nghe nào khác mình từng nghe. Texture bass cực kỳ chi tiết và rõ ràng, mình có thể nghe và cảm nhận được rất rõ các mức độ nặng, nhẹ khác nhau của cái kick drum hoặc cái dùi trống gõ vào của nhạc công, thậm chí ở 2 nhịp liền nhau.
Tuy nhiên, nếu hỏi mình có điểm nào mình chưa thực sự 100% hài lòng về bass SR-009S không, thì mình sẽ trả lời là độ extreme impact của upper-bass và mid-bass. Độ impact của mid-bass SR-009S khi nghe nhạc điện tử, hiphop, vinahouse nặng chưa làm mình thực sự có cảm giác “in da club”. Điều này có thể là do thiết kế dạng open của SR-009S và cả driver tĩnh điện, còn các tai nghe dạng closed-back hay dynamic/planar thì có thiên hướng focus vào độ impact của upper bass hơn.
4.3) Âm trung (midrange)
Dải trung là dải tần âm thanh quan trọng nhất, vì phần lớn bài hát diễn ra ở midrange. Trong toàn bộ dải tần âm thanh, mình nghĩ midrange chắc là dải mang ý kiến chủ quan và cảm xúc trong mỗi người nghe nhất. Với trung âm thì khái niệm “hay” và “đúng” có thể nó không đi chung với nhau, thậm chí ngược hẳn nhau. “Như thế nào là một trung âm hay” có lẽ là câu hỏi không có câu trả lời chính xác cụ thể. Mình nêu vấn đề này lên để mọi người có thể dễ hình dung hơn về trung âm của SR-009S.
Ngắn gọn súc tích, với gu của mình thì mình thấy midrange là điểm sáng nhất trong 3 dải tần âm thanh của Stax SR-009S. Dải trung của 009S cực kỳ hấp dẫn, chi tiết, tự nhiên và nó đạt được tới cái cảnh giới mà mình lần đầu tiên dùng tính từ này để miêu tả midrange trong âm thanh – mê hoặc. Không phải nói quá nhưng lý do chính khiến mình quyết định phải đầu tư phối ghép cho tới nóc SR-009S chính là ấn tượng đầu tiên khi lần đầu mình được nghe SR-009S thể hiện tiếng piano và giọng nữ trung. Một dải midrange mà mình chưa từng cảm nhận được ở bất cứ tai nghe nào trước đó.
Trong giới headphone cao cấp mình từng nghe, có hai chiếc tai nghe mình ấn tượng về midrange nhất, đó là SR-009S và Hifiman Susvara. Về âm trung của 009S, mình đặc biệt thích nghe giọng nữ vì âm thanh tinh tế và cảm xúc của chúng. Giọng nam nghe khá có hồn và lãng mạn, không có độ “nặng” và “ồm” như HD650, nhưng nó dầy và soulful hơn HD800S rất nhiều. Nói một cách dễ hình dung, với một fan cuồng vocals và acoustics như mình thì khi nghe quen midrange từ HD800S, HD650 chuyển sang SR-009S nó giống như việc bạn đang uống nước lọc (HD800S) và cà phê (HD650) chuyển sang uống trà sữa Phúc Long (SR-009S) vậy, midrange của SR-009S vừa có cái đậm đà vừa phải của trà nhưng không quá đậm như cafe, vừa có cái sự quyến rũ, mềm mại, ngọt ngào của sữa. Stax SR-009S dễ dàng là chiếc tai nghe end-game đối với bất kỳ audiophile nào yêu thích giọng hát (vocals) và các thể loại nhạc dựa trên giọng hát.
4.4) Âm cao (treble)
Treble của 009S rất thú vị và gây cho mình nhiều ngạc nhiên, bởi vì trên biểu đồ đáp ứng tần số, nó có vẻ lởm chởm, không đều và bị peaky ở nhiều điểm. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế ở hệ thống mình và với mức âm lượng nghe từ bình thường đến khá to, treble của SR-009S nghe rất lịch sự, thoải mái và thậm chí thư thái, đồng thời vẫn có được sự lấp lánh, vui tươi và độ kiểm soát bậc thầy. Treble của 009S có độ chi tiết như treble HD800S, nhưng dễ nghe hơn rất nhiều. Điểm nổi trội nữa ở treble SR-009S là nó tơi và nó tan rất đẹp, khi cương nó cương, khi nhu nó lại nhu, khi cần lặng là tan luôn. Treble SR-009S chưa bao giờ bị “lố”, chóe, sáng hay gây mệt tai, điều mà mình khá thường xuyên gặp phải khi nghe HD800S lâu.
Thông thường, mình rất khó tính khi nhận xét treble của tai nghe, nhưng mình thực sự không có nhiều điểm khác để nói về treble của SR-009S, ngồi nghĩ mãi cũng chỉ được vài dòng bên trên. Đơn giản là SR-009S sở hữu âm sắc dải treble có mức độ chi tiết lẫn elegant hàng đầu trong giới tai nghe thế giới, một sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật (technicality) và sự êm ái (relax).
4.5) Độ chi tiết (detail) và độ phân giải (resolution)
Khi bàn về mức độ thể hiện chi tiết và độ phân giải âm thanh, Stax SR-009S có thể là vua ở thời điểm hiện tại. Điều này là không cần bàn cãi ngay cả khi trước đó trong khoảng thời gian dài, mình nghe HD800S – một tai nghe chi tiết đỉnh cao khác. Từ lúc có SR-009S, tai mình như được reset, toàn bộ các bài hát mình nghe cả trăm lần trên rất nhiều hệ thống tai nghe và loa khác nhau, nhưng khi nghe qua SR-009S nó như lần đầu mình được nghe vậy. Mình đã phải tự nhẩm “ủa, trong bài hát này nó có âm thanh này hả ta” không biết bao nhiêu lần khi nghe SR-009S. Khi được phối hợp với hệ thống tốt, xử lý điện và phối ghép bài bản, SR-009S trình diễn một thứ âm thanh chi tiết đến rợn người, đặc biệt đối với các bài hát được mastering tốt và tận dụng độ phân giải hàng đầu của Stax. Nền âm tĩnh lặng, các nốt nhạc từ từ thong thả tuôn ra cực kỳ nổi bật, dần dần phát triển lên và khi đến cao trào, SR-009S thực sự làm mình cảm thấy mình đang được hòa mình ở đó, ngay tại chính sân khấu và làm thính giả trực tiếp vậy. Cần phải nói là hệ thống âm thanh mà làm mình có cảm giác này đến hôm nay chắc chưa đếm hết được bàn tay.
Thêm một điểm mình thấy hơi lạ, và thật sự cũng không giải thích và tưởng tượng được nếu chưa nghe trực tiếp, đó là với cái detail và resolution hàng đầu đó, nhưng SR-009S lại forgiving hơn (dễ nghe) hơn HD800S nhiều khi gặp các bài hát xưa hoặc các bài hát thu âm kém, bị cương tiếng. Thật sự mà nói mình rất ít khi nghe được quá 2 bài nhạc Việt với HD800S vì quá mệt tai, nhưng với 009S mình có thể thoải mái nghe cả album nhạc Việt. Tuy nhiên, so với các tai nghe êm ái và ít chi tiết khác như HD650 hay Audeze LCD2, thì 009S bộc lộ “sự thật” bản thu một cách tàn nhẫn hơn nhiều.
4.6) Tốc độ (speed) và mức độ đáp ứng thay đổi âm thanh (transient response)
SR-009S không chỉ vượt trội ở độ chi tiết và phân giải, mà nó còn là một chiếc tai nghe đỉnh cao về tốc độ và cách nó tái hiện transient response, điều này tạo ra trải nghiệm âm nhạc mà mình tin chắc đại đa số các audiophile chưa từng có khi nghe các bài hát tiết tấu nhanh như epic hoặc rock. Với đặc thù là driver tĩnh điện của mình, không dùng sự dao động của driver truyền thống như dynamic hay planar để phát ra âm thanh nên Stax SR-009S sở hữu một tốc độ và sự chuyển âm nhanh bậc nhất trong thế giới tai nghe hiện nay. Với những bài epic có tiết tấu dồn dập, nhiều nhạc cụ chồng lên cùng lúc như Two Steps From Hell, Gothic Storm hay rock của DragonForce, thì thật sự mình chưa nghe hệ thống audio nào, cả loa và tai nghe, đáp ứng về tốc độ tốt như khi mình nghe SR-009S.
4.7) Âm trường (soundstage) và âm hình (imaging)
Đối với âm trường và âm hình, Stax tiếp tục thể hiện điểm sáng. Độ rộng âm trường (soundstage width) SR-009S không bằng HD800S – chiếc tai nghe có âm trường rộng nhất mình từng được nghe, nhưng về độ sâu (soundstage depth) và 3D (holographic) của âm trường thì thực sự HD800S thua SR-009S rất xa. Với lợi thế về độ sâu và 3D của âm trường như vậy nên hiển nhiên âm hình của SR-009S cũng tốt và rõ ràng hơn HD800S rất nhiều. Với HD800S thì mình cảm nhận được vị trí của nhạc công trên một mặt phẳng xa mênh mông, còn với SR-009S thì mình cảm nhận rõ hơn về một cái không gian sân khấu chỉn chu, rõ ràng, không hoành tráng, “chiếc thuyền ngoài xa” nhưng cũng không quá gần, áp sát vào tai, điều này mang lại cho SR-009S màn trình diễn âm thanh có độ tự nhiên (naturalness) tuyệt vời.
Với SR-009S, mình đặc biệt thích, à không, mình mê mẩn cái sự thể hiện khoảng cách, sự phân lớp và tách biệt giữa giọng hát chính và giọng hát nền ở một số bản nhạc, cũng như một điểm hơi hàn lâm là mình dễ dàng hình dung và cảm nhận được cái “không khí” bao quanh từng cá thể riêng biệt trên sân khấu. Mình diễn tả có thể hơi khó hình dung, nhưng những đặc tính âm thanh cao cấp kiểu này mình nghĩ sẽ cảm nhận rõ hơn khi người nghe trực tiếp được trải nghiệm.
4.8) Âm sắc (timbre) và độ động (dynamic)
Về âm sắc thì 009S đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Âm sắc của SR-009S mang đặc tính đặc trưng của tai nghe tĩnh điện: nhanh, thanh tao và ngả sang hướng nhẹ nhàng hơn là xôi thịt. Nó vừa đủ độ nặng cần thiết để thể hiện đầy đủ âm sắc của giọng hát và nhạc cụ, nhưng nó rất khác về độ giòn (crunchiness), độ ép phê (bite) và độ cứng (hardness) của các tai nghe driver dynamic và đặc biệt là planar.
Một nhược điểm khác của 009S mà mình nghĩ bạn cần chú ý, đó là mặc dù nó có lực impact khá tốt (dynamic slam), nhưng nó không đạt tới cái độ “tới nái”, rung lồng ngực bần bật được, ngay cả khi cắm cùng amply BHSE. Nếu bạn đã nghe quen với âm thanh của đám Audeze như LCD-2, LCD-4, Focal Utopia hoặc Abyss AB-1266 Phi TC, bạn không nên mua 009S với kỳ vọng rằng nó sẽ slam pặc pặc giống như những chiếc tai nghe này. SR-009S là chiếc tai nghe bạn mua và đầu tư vì toàn bộ dải tần âm thanh của nó, vì toàn bộ trải nghiệm âm nhạc mà nó đem lại, còn các basshead mình thực sự khuyến khích nên nghe thử trước khi xuống tiền mua 009S. Điểm cuối cùng đáng note là Stax có dòng tai nghe có âm trầm mạnh hơn, mà lại rẻ hơn nhiều, chẳng hạn như dòng SR-007 MKII.
5. Tổng kết
Vậy, SR-009S thích hợp dành cho ai và ai thì không?
Nếu bạn đã từng nghe tai nghe tĩnh điện khác và thích âm thanh nó mang lại, thì chắc chắn SR-009S là chiếc tai nghe end-game dành cho bạn, nó là tai nghe tĩnh điện có âm thanh hoàn thiện nhất mình từng được nghe. Nếu bạn chưa từng nghe tai nghe tĩnh điện, nhưng đã nghe và yêu thích Sennheiser HD800S, thì bạn có rất nhiều khả năng cũng sẽ chết mê chết mệt với SR-009S. Cả hai chiếc tai nghe HD800S và SR-009S có chung một số đặc điểm như transparency, mức độ chi tiết đến phũ phàng, v.v., nhưng SR-009S vẫn là chiếc tai nghe ở một vũ trụ khác, mình tin chắc nó rất khác tất cả các tai nghe khác trên thị trường hiện nay. Mình thấy SR-009S thể hiện tốt nhất với các thể loại nhạc vocals, acoustics, cổ điển, jazz và đôi khi là nhạc epic, pop và các thể loại hiện đại chọn lọc.
Tuy nhiên, với những người mong muốn một chất âm ấn tượng từ những phút ban đầu, bass tung não, ép lồng ngực, dynamic ầm ầm, club in da house thì mình nghĩ có nhiều lựa chọn tốt hơn SR-009S, trong đầu mình bật lên đầu tiên là Abyss 1266 TC, Focal Utopia và Audeze LCD-5.
Điểm mình thích nhất của SR-009S, là khi nghe hệ thống tai nghe tĩnh điện SR-009S tại nhà, thật sự mình cảm thấy hạnh phúc khi chỉ đơn giản là một người nghe nhạc, yêu nhạc thuần túy, chứ không còn là một audiophile khó tính, bắt bẻ từng ly từng tí điểm chưa hoàn hảo của âm thanh, mà hệ thống đã làm cho mình được thực sự hòa mình vào tác phẩm âm nhạc, được thả lỏng tai, tâm hồn lẫn đầu óc, và lắng nghe những tâm tư mà người soạn nhạc và người trình bày gửi gắm vào tác phẩm.
Thật sự chưa bao giờ cho đến ngày hôm nay, ngày mình bỏ cả mấy đêm liền gõ những dòng review này, mình lại có cảm giác mình, là một người nghe hạnh phúc, được may mắn ở trực tiếp tại sân khấu đó, được thưởng thức những bài hát yêu thích như là ban nhạc chơi cho chính mình vậy. Cái cảm giác này, cảm xúc này chẳng phải là điều “tối thượng”, là đích đến cuối cùng của niềm đam mê audio này sao?
Tựu chung lại, Stax SR-009S thực sự đã đáp ứng được kỳ vọng cao nhất của mình dành cho một chiếc tai nghe hàng đầu thế giới. Với việc SR-X9000 còn rất lâu mới có thể phổ biến trên cộng đồng audiophile, Sennheiser HE-1 thì chỉ sản xuất với số lượng vài chục chiếc, thì Stax SR-009S với mình nhiều khả năng là chiếc tai nghe thương mại có âm thanh tốt nhất thế giới tại thời điểm hiện tại. Sự kết hợp đỉnh cao và độc nhất giữa nhạc tính (musicality) và đặc tính kỹ thuật (technicality) đã giúp SR-009S trở thành chiếc tai nghe có âm thanh hoàn thiện nhất mình từng có may mắn được nghe thử và sở hữu. Và với mình, thứ âm thanh đến từ hệ thống SR-009S mình đang nghe là sự tái tạo âm nhạc đỉnh cao nhất ở một hệ thống tai nghe mà mình từng được trải nghiệm trong chặng đường audiophile hơn một thập kỷ vừa qua.
6. Hậu tổng kết
Sau khi đã qua tay cũng như qua tai rất nhiều tai nghe và hệ thống âm thanh khác nhau, thì thực sự mình cũng không nghĩ sẽ có ngày mình sẽ có thể bỏ thời gian gõ một đống chữ như thế này cho một thiết bị âm thanh. SR-009S đã đem lại cho mình những cảm xúc đáng nhớ trong chặng đường audiophile mênh mông này. Và quan trọng nhất, hệ thống tai nghe mình đang sở hữu đã đem lại cho mình những cảm xúc cực kỳ thăng hoa với âm nhạc mà ngay cả những hệ thống loa siêu hi-end có giá gấp nhiều lần chưa thể đem lại. Mình thật sự cảm thấy may mắn khi được chạm tới những cung bậc cảm xúc đỉnh cao mà mình còn không nghĩ mình có được lúc trước với âm nhạc.
Bài cảm nhận được viết dựa trên đôi tai thẩm âm tự nhận không lấy gì làm xuất sắc lắm và vốn kinh nghiệm về âm thanh vừa phải. Từ ngữ hay cách hành văn có ‘cụt’ quá thì mọi người thông cảm, lâu quá chưa viết review với tự nhận thấy đúng là văn chương đã không còn lai láng và mượt mà như trước.
Trọng Khiêm – 01-12-2022.
Viết cho những trải nghiệm không thể quên.