Điểm mới đầu tiên là trên MV7+ sẽ có có một dải panel RGB 16,8 triệu màu mặc định để hiển thị level âm thanh của người dùng khi đang thu. Ngoài ra nó còn có thể tùy biến lại để hiển thị đẹp hơn theo ý người dùng, cái mà Shure gọi là “ambient pulse effect”. Trên dải RGB này cũng tính hợp tính năng cảm ứng, cho phép người dùng chạm vào để mute tiếng.
Về mặt kết nối, MV7+ cũng hỗ trợ cả kết nối qua XLR và USB output để có thể xài với điện thoại, laptop, máy bàn hoặc cả các bộ mixer. Tuy nhiên khác với bản MV7 trước đây, trên bản mới chỉ hỗ trợ USB-C chứ không có USB-A.
Về công nghệ hỗ trợ âm thanh. Shure trang bị cho MV7+ cái gọi là Real-time Denoiser, can thiệp vào quá trình xử lý tín hiệu số DSP để lọc noise nền tại nơi thu âm. Shure cho biết công nghệ này sẽ cùng với tính năng tách giọng voice isolation nhằm cho ra bản thu tốt nhất trong điều kiện môi trường độ ồn cao. Ngoài ra MV7+ còn được trang bị tính năng Digital Popper Stopper nhằm hạn chế các tiếng gió phát ra khi phát âm các từ có âm bật, kiểu chữ B, P, T,..
Shure cho biết trên MV7+ họ cũng cải thiện tính năng Auto Level Mode, tự điều chỉnh mức gain tùy theo khoảng cách từ mic tới nguồn âm, âm lượng và đặc tính âm học của phòng thu để tự động cân bằng profile thu âm. MV7+ cũng được tích hợp onboard reverb với 3 tùy chọn Plate, Hall và Studio.
Đi kèm với MV7+, Shure cũng cho ra mắt ứng dụng mới MOTIV Mix app, cho phép tùy biến nhiều tính năng của dải đèn, các mixer, điều chỉnh các đặc tính của âm thanh, EQ, gain,… Ngoài ra ứng dụng còn có thêm tính năng Soundcheck, hỗ trợ tối ưu các tùy chỉnh gain và monitor mix để cho âm thanh đầu ra đúng ý. Ứng dụng mới này cũng sẽ hỗ trợ 2 dòng mic cũ hơn là MV7 và MVX2U, tuy nhiên hiện tại bản beta chỉ mới hỗ trợ MV7+.
Cuối cùng, giá của Shure MV7+ là 279 đô la, 2 tùy chọn màu là đen và trắng. Ngoài ra cũng có phiên bản podcast kit bao gồm một bộ MV7+ và stand Gator giá 299 đô la.