Mở hộp và phụ kiện
Kiểu dáng thiết kế
Headband khá mỏng nhưng dẻo dai chắc chắn và được bọc ngoài bằng da nhân tạo. Khối lượng earcup hai bên cũng được cân bằng rất tốt và lực ép lên tai nhẹ nhàng, vừa đủ để không gây xộc xệch khi lắc đầu.
Chi tiết bắt mắt nhất của Fostex TH-909 không gì ngoài cặp earcup màu đỏ nổi bật được đánh bóng Bordeaux. Earcup tai nghe được gia công bởi nhà máy Sakamoto Urushi trứ danh (hoạt động từ năm 1900), sử dụng gỗ bạch dương anh đào Nhật Bản cực hiếm với lớp đánh bóng sang trọng, điểm xuyết thêm các sợi bạc để tạo ra vẻ óng ánh đẹp mắt khi được chiếu sáng.
Chất lượng dây
Dây stock (dây kèm theo tai nghe) có chất lượng gia công rất tốt, dày dặn và có khả năng chịu lực cao. Dây này được trang bị chân cắm 2-pin mạ Rhodium (cắm vào earcup) và jack 6.35mm mạ vàng (cắm vào nguồn phát). Lõi dây được gia công bằng đồng OFC 7N (Oxygen Free Copper 99.99999%) đảm bảo hiệu năng truyền tải tín hiệu tốt nhất. Dây được bọc vỏ nhám chống nhiễu âm học hoàn toàn không gây ra tiếng sột soạt khi ma sát.
Cấu tạo phần cứng
TH-909 sử dụng driver dynamic Biodyna 50mm độc quyền của Fostex được cấu tạo từ thành phần hợp nhất bio-cellulose và sợi vô cơ (inorganic fiber). Fostex cũng ứng dụng cấu trúc nam châm siêu từ tính lên đến 1.5 Tesla, cung cấp hiệu năng âm thanh cực cao với độ động ấn tượng. Tai nghe có trở kháng chỉ 25Ω với độ nhạy 100dB/1mW nên rất dễ kéo với đa số các dòng thiết bị thông dụng. Biodyna được hãng cho biết có khả năng chịu tải lên đến 1.8W, tần số đáp ứng danh định 5Hz – 45kHz.
Fostex TH-909 được tích hợp lưới thoát hơi bằng kim loại trên mặt lưng earcup. Lưới kim loại có cấu tạo gồm 2 lớp được lót foam mềm ở giữa để ngăn bụi lọt vào trong. Khi nghe nhạc, TH-909 nói chung không rò rỉ âm quá nặng như một chiếc tai nghe open-back thông thường nhưng cũng không “kín” như tai nghe closed-back nên có thể xếp vào phân loại semi-open là chính xác nhất.
Trải nghiệm nhanh âm thanh
Đang có 2 em TH900 MK2 và TH909 ở đây thì TH909 cho tiếng bass nhanh và gọn hơn, sâu hơn thì mình chưa nghe kỹ nên cũng chưa thể viết cho chính xác. TH900 MK2 khá nhiều màu sắc ở trung âm còn TH909 thì ít hơn hẳn, vừa đeo lên là có thể nhận ra ngay, bên cạnh đó là trung âm của TH909 hơi lùi hơn so với TH900 MK2, có vẻ chơi đa thể loại tốt. Nốt bass xuống sâu và dứt liền, không tạo âm nền như TH900 MK2, nghe trữ tình có vẻ là không qua được đàn anh nhưng nghe pop, rock thì TH909 cho âm thanh lôi cuốn, nổi bật hơn hẳn.
Những đặc điểm đáng tiền của Fostex TH-909 nhìn chung nằm ở tốc độ, bass dập rất đã tai, độ trong trẻo tốt, nhiều chi tiết, âm thanh có chiều sâu và mức tần số đáp ứng cực kỳ ấn tượng. Thêm vào đó, độ nhạy cao cũng là một ưu điểm cho phép TH-909 có thể được kéo tốt bằng nhiều dòng thiết bị đa dạng. Mình kéo bằng Vocaster cũng được nhưng chưa hay lắm, muốn tuyệt hơn thì cắm Hugo TT hoặc Zen DAC/ Zen Can Signature. Phần còn lại của âm thanh sẽ nói sâu hơn trong bài trải nghiệm.